Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

Trằn trọc chọn quà Tết biếu sếp

Trong những ngày cuối năm, các trung tâm thương mại, khu chợ, siêu thị đều đông nghịt người. Ngoài việc mua sắm đồ dùng cho gia đình, hầu hết các khách hàng đều lựa chọn quà biếu cho cha mẹ, người thân, và đặc biệt là cho các sếp. Sếp càng cao thì quà càng phải cầu kỳ và “chất lượng”.

Giáp Tết, quà biếu tràn ngập thị trường. Từ những giỏ quà trị giá từ 100 ngàn cho đến hàng triệu trở lên. Trong các siêu thị lớn của Hà Nội như Metro, Intimex, Fivimart, quầy hàng bán quà tết được bày ngay cửa vào.

Đó là chưa kể đến những nơi bán các loại rượu giá từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn, có chai lên đến cả tiền triệu như trên đường Hai Bà Trưng, chợ Hàng Da, Trần Xuân Soạn…

Giỏ quà tết tràn ngập trong các siêu thị.

Theo quan sát của VTC News, khách mua giỏ quà thường là những người đi biếu người thân, cô giáo vì vừa túi tiền. Giá của mỗi giỏ quà từ 100-900 nghìn đồng. Còn những khách mua rượu “xịn” thường là mua để biếu quan chức vì dễ dàng gói trong giấy cho kín đáo…

"Lệ rồi, phải theo thôi"

Với những người mức thu nhập còn eo hẹp thì chuyện quà cáp là một điều hết sức băn khoăn.

Chị Lệ Trâm, cư ngụ ở Cầu Giấy, Hà Nội, tâm sự: “Năm nào cũng vậy, thực sự thì em cũng chẳng dư dả gì, nhưng ngày Tết thì bắt buộc phải có quà cho các cô giáo của con, tại vì... ai cũng vậy".

"Khi mua quà biếu, em cũng phải so đo tính toán lắm, chẳng hạn như tiền biếu là bao nhiêu, quà như thế nào. Nếu mình cho ít quá thì sẽ có cảm giác như con mình không được chăm sóc đàng hoàng. Quà Tết cho các cô giáo của hai con em là khoảng 500 ngàn, trong khi lương của em một tháng chỉ được khoảng 1 triệu rưỡi".

Đám công nhân của công ty chuyên sản xuất nồi inox thì lại phải ngồi với nhau để bàn xem ông quản đốc thích gì và chung tiền mua như thế nào. Sau một hồi thảo luận, họ quyết định chia làm hai nhóm. Một đi mua 5 két bia Hà Nội vì “sếp” nghiện bia. Một nhóm lên Nhật Tân tìm mua một cây đào hoành tráng.

Công ty thưởng tết cho mỗi công nhân 500 nghìn đồng, nhưng tiền mua quà cho sếp đã hết 250 nghìn rồi. Anh Đặng Đức Huynh thở dài nói: “200 nghìn còn lại chẳng đủ để tôi mua bánh kẹo về quê và quà tết cho vợ con. Nhưng lệ rồi, phải theo thôi”.

Trằn trọc chọn quà cho sếp

Đối với doanh nghiệp thì việc biếu quà Tết còn phổ biến hơn. Cuối năm, doanh nghiệp nào cũng phải đặt giỏ quà để biếu khách hàng, đối tác và lãnh đạo các cơ quan chức năng “giúp đỡ” họ thuận tiện trong kinh doanh.

Tiền quà tết lên đến hàng trăm triệu đồng. Song doanh nghiệp nào muốn không gặp khó khăn và trở ngại thì đều phải tuân theo qui luật ấy.

Anh Nguyễn Văn Huy, giám đốc một cơ sở chuyên sản xuất các nguyên liệu làm khung tranh, có trụ sở ở quận Đống Đa, cho biết: “Ai làm kinh doanh thì đều vậy. Tuỳ theo mỗi người, người ta thích cỡ nào, thì mình phải chiều theo như thế. Nếu mình ngoại giao lớn hơn, thì phải biếu xén lớn hơn. Biếu xén đôi khi là điều thuận lợi cho việc làm ăn”.

Để có cái bước đệm ấy mà nhiều người đã phải trằn trọc chọn quà cho hợp với sếp.

Anh Đức Bình, Giám đốc một công ty thương mại, đã chọn mua một chai rượu hình tháp Effel cao gần 1m giá 7 triệu đồng. Được một người bạn giới thiệu, anh mới lùng mua được món quà đặc biệt như vậy để tặng cho lãnh đạo đơn vị chủ quản của công ty.

Công ty Thiên Đức thì lại đặt hẳn một con lợn giả ngọc để tặng cho một vị lãnh đạo cấp cao nhân dịp đón năm Đinh Hợi. Giám đốc của công ty hy vọng đây là một món quà độc nhất vô nhị và người nhận sẽ hài lòng.

Việc biếu quà tết dường như đã trở thành thông lệ của người Việt hiện đại. Tuy nhiên, ở một vài công ty của nước ngoài, thì lại có chính sách nghiêm cấm về việc nhận và tặng quà rất ngặt.

Công ty S& J Johnson, chuyên sản xuất các chất tẩy rửa có mùi thơm yêu cầu tất cả nhân viên không được nhận quà của bất kỳ ai và cũng không gửi quà cho ai. Trong trường hợp các nhà cung cấp họ gửi quà trực tiếp, thì các quà đó sẽ lưu lại, làm thành giải thưởng cho trò bốc thăm trúng thưởng trong những bữa tiệc.

Trịnh Vũ

Không có nhận xét nào: